Không phủ nhận sự tác động lớn của trí tuệ nhận tạo (AI), đặc biệt là ChatGPT, PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng với ngành Giáo dục, chủ thể vẫn là người thầy nhưng không phải chỉ người thầy với những bài giảng mà chúng ta còn có công nghệ.
ChatGPT không thể thay thế con người trong “một sớm một chiều”
Bộ GD&ĐT vừa tổ chức Tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”. Tọa đàm có sự tham dự của các nhà lãnh đạo, quản lý và chuyên gia giáo dục, chuyên gia công nghệ. Điều phối các phiên tọa đàm là GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Theo Ban tổ chức, Trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là xu hướng mà đang ảnh hưởng sâu rộng đến các khía cạnh xã hội. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, học tập, đáp ứng sự phát triển xã hội, phục vụ cuộc sống con người tốt hơn. Đồng thời, gần đây sự ra đời của ChatGPT đã tạo nên một cơn sốt toàn cầu và hiện đang là chủ đề thảo luận, nghiên cứu tại nhiều quốc gia trên thế giới, Bộ GD&ĐT và ngành Giáo dục đã chủ động tìm hiểu, nhận thức rõ cơ hội cũng như thách thức đặt ra của ChatGPT và AI đối với giáo dục.
PGS.TS. Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội (giữa) phát biểu tại tại tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”.
PGS.TS. Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rẳng giới công nghệ và người làm khoa học đón nhận sản phẩm ChatGPT rất bình tĩnh. Khoa học công nghệ nói chung có quá trình phát triển dài và có những công nghệ mới, đến một thời điểm nào đó đủ "chín" sẽ cho ra đời các sản phẩm. Có lẽ chúng ta coi nó như một thành tựu lần đầu tiên đại chúng được trải nghiệm và thấy được năng lực của trí tuệ nhân tạo không quá xa xôi... Đây đơn giản là một mô hình thuật toán, chỉ được coi là một công cụ chứ chưa có suy luận, sáng tạo như một con người. Vấn đề đặt ra là cần phải trang bị cho người dùng, đặc biệt là học sinh, sinh viên cách thức sử dụng công cụ AI có trách nhiệm.
“Những người làm công nghệ thấy đây là phần mềm Demo cho công nghệ mô hình xử ngôn ngữ lớn. Vì vậy, chúng ta không nên kỳ vọng nó thay thế con người trong “một sớm một chiều” vì ChatGPT là phần mềm mang tính dự đoán, không có khả năng tư duy như con người...”- PGS.TS. Tạ Hải Tùng nêu ý kiến.
Còn ông Phùng Việt Thắng, Phó Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, cho rằng ChatGPT là phiên bản thành công của công nghệ trí tuệ nhân tạo. Nhưng phần mềm này có các yếu tố khác với công nghệ khác, đó là tính phổ cập, tiếp cận và học hỏi mang màu sắc ngôn ngữ.
“Nếu ChatGPT không dùng tiếng Việt thì chắc hẳn chúng ta không có buổi hội thảo ngày hôm nay. ChatGPT "nóng lên" trong thời gian qua là biểu hiện tốt vì nó vừa là động lực để đầu tư công nghệ cho giáo dục, làm chủ công nghệ mới ra sao, vừa cần xác định thách thức của nó mang tính tích cực hay tiêu cực?” - ông Phùng Việt Thắng chia sẻ.
Làm thế nào để sử dụng ChatGPT hiệu quả
GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đặt vấn đề, công cụ mới cho phép học sinh được hỏi song có một số chuyên gia quan ngại về chất lượng thông tin, chất lượng câu hỏi. AI dựa trên phân tích sẵn có. Nếu nguồn dữ liệu có định kiến hoặc sai lệch, vậy làm thế nào để đảm bảo có thể sử dụng được câu trả lời từ công cụ này?
TS Nguyễn Thành Nam, người sáng lập FUNiX phát biểu tại Tọa đàm.
Trao đổi về chủ đề này, TS. Nguyễn Thành Nam, Nhà sáng lập FUNiX, cho rằng cái hay nhất của ChatGPT là không có “human” – con người nên sinh viên dám hỏi và hỏi thoải mái. Bởi vì có công cụ này nên sinh viên mạnh dạn hỏi thầy hơn hẳn và đây là bước đầu tiên rất quan trọng.
Còn theo PGS.TS. Tạ Hải Tùng, khi đưa công nghệ vào hỗ trợ chúng ta sẽ hiểu hơn học sinh, sinh viên, từ đó thiết kế bài giảng tốt hơn. Ông Tùng chia sẻ: “Quay lại câu chuyện của ChatGPT, một số trường ở Mỹ có ý định cấm dùng vì lo ngại sinh viên sử dụng để làm bài luận, đó là cách tiếp cận khá bảo thủ… Công nghệ không đem lại sự đe dọa ai mà chủ yếu là chúng ta phải thích ứng như thế nào”.
Vai trò người thầy không mất đi nhưng ngày một thay đổi
Phát biểu tại Tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”, PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng trước kia, ngành giáo dục, hay là các nhà giáo có một đặc quyền là truyền bá tri thức, có câu nói “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Ngày nay, với ứng dụng khoa học công nghệ, vai trò người thầy chắc chắn sẽ không mất đi nhưng ngày một thay đổi.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Tọa đàm.
Chúng ta hãy dùng, hãy cảm nhận, hãy trải nghiệm để hiểu hơn “Cách tốt nhất để hiểu nó, chính là dùng nó. Công nghệ, công cụ này có sẵn và toàn thể hơn 20 triệu học sinh, 1 triệu rưỡi nhà giáo, rồi các nhà quản lý giáo dục, chúng ta hãy dùng, hãy cảm nhận, hãy trải nghiệm để hiểu hơn. Và khi hiểu, chúng ta cùng thảo luận. Chúng ta nói cách học tốt nhất là dùng và thảo luận, cũng như học hỏi như ChatGPT làm. Tôi mong rằng ở các nhà trường, các tổ chức sau khi đã dùng, đã trải nghiệm rồi sẽ thảo luận tiếp, làm rõ hơn lợi ích mà ChatGPT mang lại và tương lai phát triển của ChatGPT và những công nghệ khác cũng sẽ mang đến cho chúng ta. Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT và các cấp ban ngành khác sẽ có những chính sách lâu dài và kịp thời” - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh. |